Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Vì sao phải bón phân lót cho ruộng lúa?

           Trước hết cần phải thấy rằng hầu hết đất ruộng của chúng ta hiện nay chua và có nhiều phèn. Mặt khác sau thời gian canh tác bà con chủ yếu bón bằng các loại phân hóa học, không hoặc rất ít bón phân chuồng nên đất càng chua hơn, độ phì nhiêu giảm đi vì thiếu chất hữu cơ. Dinh dưỡng trong đất ngày càng giảm.
Trong điều kiện làm ruộng 3 vụ liên tục, đất không có thời gian ngủ nghỉ, vừa gặt xong đã cày vùi gốc rạ xuống thì khi bị phân hủy, rơm rạ sẽ tạo thành những chất độc trong đất. Nếu không bón lót, khử độc thì lúa sẽ bị ngộ độc, cây vàng vọt, yếu ớt.
Khi ngâm ủ, phôi hạt sử dụng nguồn dinh dưỡng sẵn có trong hạt (hạt gạo) để phân hóa, hình thành các bộ phận ban đầu như mầm và rễ cây và chỉ xảy ra trong vòng mấy ngày. Thời kỳ này gọi là thời kỳ dinh dưỡng dị dưỡng của cây, nghĩa là cây chỉ sử dụng những chất hữu cơ sẵn có trong hạt để sống, và chưa tự mình tạo được chất hữu cơ để nuôi sống bản thân.
Sau khi ta sạ giống xuống đất, cây lúa bắt đầu thời kỳ dinh dưỡng tự dưỡng, tức sử dụng các chất khoáng trong môi trường đất, cùng với nước, khí Carbonic và ánh sáng mặt trời để tự tổng hợp nên các chất hữu cơ cần thiết cho đời sống của mình. Trong thời kỳ này bộ rễ cây còn rất non nớt và nhỏ bé, nên chỉ có thể hấp thu được những nguồn dinh dưỡng cận kề. Chỉ trong vòng 5-7 ngày sau tính từ khi hạt bắt đầu nhú mầm là hạt gạo đã hết chất dinh dưỡng, chỉ còn vỏ trấu.
Bón phân lót trước khi sạ tức là cung cấp ngay các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết, với lượng phù hợp cho cây trong giai đoạn đầu này. Thường thì cây trồng vụ trước đã khai thác rất nhiều dinh dưỡng trong đất. Lúc sạ lúa môi trường đất đã trở nên nghèo, không có khả năng cung cấp cho cây đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết. Nếu ta không bón lót chẳng khác nào ta đẻ con ra mà không cho bú, hoặc cho bú không đủ, gây tình trạng suy dinh dưỡng, mà sau này khó lòng khắc phục được thể trạng yếu đuối của cháu nhỏ. Vì vậy việc bón lót cho lúa trước khi sạ cũng có ý nghĩa tương tự.
Bón lót cho đất trước khi gieo sạ còn làm giảm độ chua phèn, giảm lượng chất độc hại trong đất giúp rễ lúa có điều kiện để phát triển.
Thông thường cây lúa cũng như những cây trồng khác cần rất nhiều loại nguyên tố dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên lúc làm đất nên sử dụng các loại phân này để bón:
- Vôi bột: bón 50-100 kg/1.000m(1 sào)
- Phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh
- Phân lân (như lân Long thành, lân nung chảy văn Điển), bón 40-50 kg/1.000m2.
Vôi có tác dụng khử phèn, khử chất độc đồng thời cũng là thức ăn của cây. Thiếu vôi, đỉnh ngọn sẽ bị chết. Vôi không nên bón liên tục, mỗi năm chỉ bón 1 lần.
Phân chuồng làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Trong phân chuồng có đầy đủ các loại dinh dưỡng dù không nhiều, làm xốp đất, tạo môi trường thông thoáng cho rễ cây hoạt động. Có điều kiện bón càng nhiều càng tốt. Thực tế người dân ngại bón phân chuồng do cồng kềnh, khối lượng lớn, vận chuyển khó khăn trong khi giao thông nội đồng chưa đáp ứng.
Phân lân giúp giảm chua phèn, khử chất độc và là thức ăn của cây. Phân lân giúp rễ phát triển và giúp hút các chất dinh dưỡng khác. Thiếu lân rễ không phát triển làm cho cây suy yếu, vàng vọt. Phân lân không tan trong nước và chỉ cần bón một lần là cây sử dụng cả vụ vì thế toàn bộ lượng phân lân được dùng để bón lót ngay khi làm đất. Nếu bón chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn rễ lúa.
Khi bón lót không được trộn vôi và lân lại với nhau mà phải bón riêng lẻ vì nếu trộn lại chúng sẽ tác dụng với nhau tạo thành chất cây không hút được.
Bón lót ngay khi làm đất bằng phân chuồng, phân hữu cơ và phân lân là biện pháp hết sức quan trọng giúp cây lúa sinh trưởng tốt, khỏe mạnh làm tiền đề tăng năng suất lúa sau này. Nhưng cũng nhớ rằng đây mới chỉ là biện pháp cơ bản ban đầu, vì còn cần phải bón thúc đủ các loại dinh dưỡng cho cây lúa trong các thời kỳ cây cần và áp dụng các biện pháp chăm sóc phòng trừ sâu bệnh một cách kịp thời mới đảm bảo cho một vụ bội thu.